Ngày 13/02/2020, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) ra Tuyên bố chung IMO-WHO về việc ứng phó với sự bùng phát COVID-19 (truy cập và tải về tại liên kết: http://www.vr.org.vn/Pages/thong-bao.aspx?ItemID=1086), nhằm mục đích hỗ trợ các quốc gia trong việc đảm bảo các biện pháp y tế được thực hiện theo cách giảm thiểu sự can thiệp không cần thiết vào giao thông và thương mại quốc tế.
Vào ngày 31/12/2019, đợt bùng phát đầu tiên của vi rút corona chủng mới (COVID-19), nay đã được biết đến trên phạm toàn cầu, đã được báo cáo tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngày 09/01/2020, nhà chức trách Trung Quốc thông báo nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi được xác định ban đầu là một loại vi rút corona chủng mới, khác với bất kỳ loại vi rút corona nào đối với con người đã được phát hiện cho đến nay.
Theo khuyến cáo của Ủy ban Khẩn cấp được triệu tập theo Quy định Y tế quốc tế (IHR) (2005) vào ngày 30/01/2020, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố sự bùng phát của COVID-19 là Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC) và đã ban hành bộ Khuyến nghị tạm thời về vấn đề này. WHO đang hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia, chính phủ và đối tác toàn cầu để nhanh chóng mở rộng kiến thức khoa học về loại vi rút mới này, để theo dõi sự lây lan và độc lực của vi rút, đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia và cộng đồng toàn cầu về các biện pháp bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này. Dựa trên các khuyến nghị do WHO phát triển, IMO đã ban hành Thông báo số 4204 ngày 31/01/2020 để cung cấp thông tin và hướng dẫn về các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu rủi ro cho thuyền viên, hành khách và những người khác trên tàu từ vi rút corona chủng mới (COVID-19).
Theo khuyến cáo của Ủy ban Khẩn cấp, Tổng Giám đốc WHO đã không khuyến nghị bất kỳ hạn chế đi lại hoặc thương mại nào. Các quốc gia đang đẩy mạnh các nỗ lực của họ phù hợp với các khuyến nghị của WHO về sự chuẩn bị và ứng phó với rủi ro sức khỏe cộng đồng này. Đồng thời, các biện pháp bổ sung đang được các nước áp dụng, từ việc chậm cho tàu rời cảng hoặc từ chối tàu nhập cảnh, có thể gây gián đoạn nghiêm trọng giao thông hàng hải quốc tế, đặc biệt ảnh hưởng đến tàu, thuyền viên, hành khách và hàng hóa của của tàu.
WHO đang hợp tác chặt chẽ với IMO và các đối tác khác để hỗ trợ các quốc gia trong việc đảm bảo các biện pháp y tế được thực hiện theo cách giảm thiểu sự can thiệp không cần thiết đối với giao thông và thương mại quốc tế. Liên quan đến nội dung nêu trên, WHO và IMO kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng các yêu cầu “miễn dịch” (free pratique) cho các tàu (IHR (2005) Điều 28) và các nguyên tắc chăm sóc đúng đắn cho tất cả khách du lịch, phòng ngừa sự chậm trễ không cần thiết cho tàu, người và tài sản trên tàu, trong khi thừa nhận sự cần thiết phải ngăn chặn sự phát tánhoặc lây lan của bệnh.
Các quốc gia thành viên của IHR đã cam kết cung cấp ứng phó về sức khỏe cộng đồng đối với sự lây lan bệnh trên phạm vi quốc tế “theo những cách tương xứng và hạn chế các rủi ro sức khỏe cộng đồng, và tránh sự can thiệp không cần thiết vào giao thông quốc tế và thương mại”. Hơn nữa, Công ước của IMO về Tạo thuận lợi cho Giao thông hàng hải (thường được gọi là “Công ước FAL”) tuyên bố rằng các quốc gia không là thành viên IHR sẽ nỗ lực áp dụng IHR cho vận tải biển quốc tế.
Theo đó, các biện pháp can thiệp vào giao thông hàng hải quốc tế phải tuân theo các quy định của IHR (2005), bao gồm các yêu cầu cụ thể được nêu trong Điều 43. Ngoài ra, điều cần thiết là các quốc gia thành viên phải thực hiện IHR với sự tôn trọng hoàn toàn phẩm giá, quyền con người và quyền tự do cơ bản của mọi người, như đã nêu trong Điều 3(1). Các nguyên tắc tránh các hạn chế hoặc làm chậm trễ không cần thiết việc nhập cảng của tàu, người và tài sản trên tàu cũng được thể hiện tại Điều I, Điều V và phần 6 trong phụ lục của Công ước FAL. Các quy định của IHR và IMO phải được áp dụng một cách nhất quán để bảo đảm các mục tiêu chung của của các quy định này. Tuyên bố chung nhấn mạnh, WHO và IMO sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ các quốc gia và ngành hàng hải trong việc đối phó với những thách thức đối với vận tải biển do sự bùng phát của vi rút corona mới hiện nay.
Cũng liên quan đến dịch bệnh nêu trên, ngày 19/02/2020, IMO đã phát hành thông báo số 4204/Add.1 về COVID-19 – Thực hiện và thi hành các văn kiện thích hợp của IMO ((truy cập và tải về tại liên kết: http://www.vr.org.vn/Pages/thong-bao.aspx?ItemID=1085). Trong bối cảnh virus Covid-19 đang có tác động ngày càng tăng đối với các hoạt động tại các cảng biển trên phạm vi toàn cầu, IMO đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tàu mang cờ quốc tịch, quốc gia có cảng và các thể chế kiểm soát, các công ty và thuyền trưởng cần hợp tác, để đảm bảo khi thích hợp, hành khách có thể được lên, rời tàu, hoạt động hàng hóa có thể thực hiện, tàu có thể vào, rời nhà máy để sửa chữa và kiểm tra, các đồ dự trữ và vật tư có thể được cung ứng cho tàu, giấy chứng nhận có thể được cấp cho tàu và tàu có thể trao đổi thuyền viên.
Các chính quyền cảng trên toàn thế giới đã bắt đầu các biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế sự lan rộng hơn nữa của vi rút Covid-19. Họ đang yêu cầu các thuyền viên khai báo danh sách từ 5 – 10 cảng ghé vào gần nhất. Thuyền trưởng cũng phải báo cáo nếu có bất kỳ thuyền viên nào đã có triệu chứng của bệnh do vi rút Covid-19 gây ra. Nếu báo cáo cáo có người ốm trên tàu, các nhân viên y tế phải lên tàu để kiểm tra các thuyền viên bị ảnh hưởng và lấy mẫu máu của những người này. Một số chính quyền cảng đã áp dụng kiểm dịch tàu nếu bất kỳ thuyền viên nào bị sốt hoặc có các triệu chứng bệnh khác. Trong trường hợp này, thuyền viên không được phép rời tàu. Các biện pháp như vậy đã gây ra sự chậm trễ cho tàu và đang gây thêm áp lực cho các thủy thủ đoàn tàu.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, trong bối cảnh dịch vi rút corona đang phát triển, việc bảo vệ hiệu quả sức khỏe và an toàn của người đi biển cần phải được ưu tiên. Theo Công ước Lao động hàng hải năm 2006 của ILO, các quốc gia tàu mang cờ quốc tịch phải đảm bảo rằng tất cả những người đi biển trên tàu mang cờ của quốc gia được bảo vệ bằng các biện pháp thích hợp để bảo đảm sức khỏe của họ và họ có quyền tiếp cận chăm sóc y tế kịp thời và đầy đủ trong khi làm việc trên tàu. ILO lưu ý thêm rằng công ước yêu cầu các quốc gia cảng phải đảm bảo rằng những người đi biển trên tàu trong lãnh thổ của họ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức phải được tiếp cận các cơ sở y tế trên bờ.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Cục Đăng Kiểm Việt Nam